Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Kinh nghiệm thuê nhà khi đi du học tại Nhật Bản


Khi đi học xa nhà, việc đầu tiên là phải thuê nhà ở. Một số du học sinh Việt Nam khi đi du học ở nước ngoài đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhà ở. Quả thật đó là một hành trình rất gian nan. Sau đây xin chia sẻ một số kinh nghiệm khi thuê nhà giành cho du học sinh, sinh viên và người người sinh sống ở Nhật.
Về giá cả,  Nhật là một trong những đất nước đắt đỏ nhất thế giới, và đặc biệt bạn nào ở Tokyo thì phải hiểu rằng Tokyo là thành phố đắt nhất Nhật bản, nên việc giá cả thuê nhà ở đây gấp 5, thậm chí 10 lần so với ở Việt Nam là chuyện hoàn toàn bình thường. Một điều khác biệt nữa giữa việc thuê nhà ở Việt Nam và Nhật là: ở Nhật lúc kí hợp đồng thuê nhà, ngoài tiền nhà tháng đầu tiên phải trả, bạn còn phải trả thêm một số khoản khác, gồm: tiền lễ và tiền đặt cọc, hai loại tiền này trả cho chủ nhà thuê; và thêm một khoản khác trả cho trung tâm môi giới bất động sản là tiền phí giới thiệu (các thủ tục thuê nhà ở Nhật chủ yếu thông qua nhà môi giới bất động sản, chứ không tiến hành giao dịch trực tiếp với chủ nhà). Tiền lễ là tiền biếu cho chủ nhà trước khi vào nhà ở, không được hoàn lại sau khi hết hợp đồng; tiền đặt cọc là tiền đặt trước cho chủ nhà, nhằm sửa chữa những tổn hại do người thuê gây ra sau khi hết hợp đồng thuê nhà, phần tiền dư ra nếu chi phí sửa chữa sau khi hết hợp đồng ít hơn tiền đã đặt cọc sẽ được chủ nhà gửi lại.
Về thủ tục tìm nhà, khác với ở Việt Nam các bạn sinh viên thường tìm nhà qua lời giới thiệu của người quen, hoặc trong các xóm trọ sinh viên gần trường Đại học, ở Nhật thủ tục thuê nhà thường được tiến hành thông qua các nhà môi giới bất động sản. Thường mùa thuê nhà bắt đầu vào khoảng tháng 2 cho đến tháng 4, vì tháng 4 là tháng bắt đầu năm học và làm việc tại Nhật. Cũng vì đây là thời gian mọi người đổ xô đi thuê nhà nên giá nhà có thể bị đẩy lên một ít, nếu có thời gian dư dả thì các bạn có thể bắt đầu việc tìm nhà sớm hơn, vào khoảng đầu tháng 1, lúc này người đi tìm thuê nhà chưa nhiều nên có thể xem xét, lựa chọn được nhiều nhà và thương lượng các điều kiện (kể cả giá cả) với các nhà môi giới bất động sản (fudousan) nhiều hơn.
Muốn thuê nhà ở vùng nào đó, bạn nên đến xem xét xung quanh vùng đó có những fudousan nào, có thể vào hỏi trực tiếp những fudousan đó, bạn sẽ được giới thiệu chi tiết về những mẫu nhà trọ mà fudousan đó quản lý (trên bản vẽ), nếu tìm được nhà nào ưng ý (khoảng 2, 3 nhà) thì bạn có thể yêu cầu fudousan cho đi xem trực tiếp căn nhà như thế nào. Sau khi đi xem trực tiếp và thấy ưng ý về cấu trúc, thiết bị của căn nhà cũng như các điều kiện giá cả của hợp đồng, bước tiếp theo là kí hợp đồng thuê nhà. Hợp đồng thuê nhà ở Nhật thường kéo dài 2 năm, nếu sau 2 năm bạn muốn thuê tiếp nhà đó thì bạn sẽ phải trả thêm một phí gọi là (koushinhi) để kéo dài hợp đồng, thường phí này bằng giá tiền một tháng thuê nhà (có thể ít hơn hoặc nhiều hơn tùy theo nơi ở và chủ nhà). Tuy nhiên, nếu đã kí hợp đồng 2 năm nhưng trong vòng chưa tới 2 năm có việc đột xuất bạn muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà thì phải báo trước hơn 1 tháng cho phía nhà môi giới bất động sản, tùy theo hợp đồng lúc đầu thỏa thuận bạn có phải bồi thường tiền cho việc đơn phương chấm dứt hợp đồng hay không (trước lúc kí hợp đồng bạn nên trao đổi thẳng thắn với nhà môi giới về điều khoản này).
Những điều nên chú ý khi chuẩn bị đi thuê nhà ở Nhật:
·         Các thủ tục thuê nhà ở Nhật đều được tiến hành thông qua nhà môi giới bất động sản (fudousan), nên khi có ý định đi tìm nhà trọ thì việc đầu tiên là tìm đến các quầy hàng của fudousan.
·         Bằng việc truy cập vào internet, bạn có thể chọn nhà theo từng khu vực mình muốn sinh sống, kèm theo các điều kiện về giá tiền, cấu trúc căn nhà, vị trí địa lý… Hơn nữa, trên trang web cũng thường cho biết số tiền reikin và shikikin để người xem có thể ước lượng tiền phải đặt đầu vào là bao nhiêu.
Một số điểm nên chú ý khi xem thông tin nhà thuê:
·         Nếu có nhu cầu dùng máy giặt riêng (nhất là đối với các bạn nữ) thì khi xem bản vẽ căn nhà cần xác định rõ có chỗ để máy giặt hay không. Chỗ để máy giặt có thể bố trí trong nhà hoặc ngoài ban công tùy theo loại nhà, ở chỗ đó trên bản vẽ thường được biểu thị bằng một hình vuông có gạch chéo, hoặc in chứ W (washing machine).
·         Nếu khi xem trên mạng mà bạn tìm được một căn phòng có giá rẻ hơn bình thường khá nhiều, thì nên xem kĩ điều kiện căn nhà đó xây từ năm bao nhiêu, chắc chắn có phòng tắm và nhà vệ sinh không (cái này hơi thừa nhưng ở Nhật có một số nhà cũ thì chỉ có nhà vệ sinh chứ không có phòng tắm… hoặc dùng nhà vệ sinh và phòng tắm chung). Nhà vệ sinh ở Nhật cũng có hai loại là loại bệt (truyền thống của Nhật), và loại bồn (loại của phương Tây), khi xem bản vẽ bạn cũng nên chú ý vấn đề này. Tất nhiên trước khi quyết định thuê nhà còn một bước đi xem nhà thực tế, nhưng nếu đã xem kĩ ở phần bản vẽ thì có thể tiết kiệm được thời gian đi xem thực tế những căn nhà ngay từ đầu đã không đáp ứng đủ điều kiện.
·         Nhà ở Nhật chia làm hai loại: washitsu và youshitsu, washitsu là kiểu nhà truyền thống của Nhật, sàn lát bằng tatami (một loại chiếu Nhật), cửa và vách tường được dán giấy; youshitsu là kiểu nhà phương Tây, sàn lát gỗ, nói chung là giống nhà bình thường ở Việt Nam. Chọn washitsu hay youshitsu là tùy theo sở thích của mỗi người, tuy nhiên lưu ý đối với washitsu, mùa hè độ ẩm cao, nếu không thường xuyên lau chùi thì tatami dễ ẩm mốc, cửa và vách tường làm bằng giấy nên cách âm không cao, tất nhiên cách nhiệt cũng không tốt, mùa hè có thể mát nhưng mùa đông có thể rất lạnh. Thêm một điều nữa, vì washitsu trải thảm tatami nên thường hợp với những bạn thích ngủ bằng futon (đệm trải thẳng xuống đất), còn những bạn thích ngủ trên giường thì có lẽ nên chọn youshitsu.
·         Về thông tin kèm theo bản vẽ căn nhà, một số nhà sẽ ghi rõ là đồng ý cho người nước ngoài thuê hay không (đây là ý kiến của chủ nhà, fudousan chỉ là người truyền tải). Nếu không tìm được thông tin này trên mạng, khi tìm được một căn nhà ưng ý, việc đầu tiên cần hỏi fudousan là chủ nhà có đồng ý cho người nước ngoài thuê hay không. Một số chủ nhà (thường là người già) không muốn cho người nước ngoài thuê vì sợ rắc rối xảy ra do bất đồng ngôn ngữ, văn hóa… hoặc một số chủ nhà có định kiến sẵn với người nước ngoài…

·         Một điều chú ý nữa khi kí hợp đồng thuê nhà là vấn đề hoshounin – người bão lãnh. Trong hợp đồng thuê nhà có một điều khoản về người bảo lãnh, người bảo lãnh phải chịu trách nhiệm liên đới về những thiệt hại chẳng may do người thuê gây ra. Nếu là người Nhật thì người bảo lãnh thường là bố mẹ hoặc người thân thích trong gia đình, còn đối với người nước ngoài thì vấn đề người bảo lãnh khá phức tạp hơn. Trong trường hợp bạn là lưu học sinh thì có thể liên hệ với trường đang học để nhờ phía trường làm người bảo lãnh (tùy từng trường mà có thể được chấp nhận hay không), nếu đồng ý được phía trường học làm người bảo lãnh thì bạn còn phải thương thuyết với phía fudousan xem chủ nhà có chấp nhận trường học làm người bảo lãnh hay không. Trong trường hợp không thể tìm được người bảo lãnh thích hợp, hiện nay, các công ty fudousan có dịch vụ đứng ra nhận là người bảo lãnh cho người nước ngoài với giá tiền khoảng bằng 2 đến 3 tháng tiền nhà (giống như một dạng bảo hiểm).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét